SỰ TÍCH MỘ PHẦN CỤ KHẢI TỔ DÒNG HỌ ĐÀM

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 118
  • Tổng lượt truy cập 450,633
  • Bài viết
  • SỰ TÍCH MỘ PHẦN CỤ KHẢI TỔ DÒNG HỌ ĐÀM
Ngày đăng: 11/07/2014, 06:25 pm
Lượt xem: 3610

SỰ TÍCH VỀ MỘ PHẦN CỤ KHẢI TỔ DÒNG HỌ ĐÀM

 

Tài liệu sưu tầm

 

Cuốn Tang Thương Ngẫu lục (viết bằng chữ Hán) của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án và cuốn Lịch Đại Danh Hiền Phổ ( Sự tích những vị danh hiền Việt Nam dười triều Trần và triều Lê) viết bằng Việt ngữ, do cụ Nguyễn Thượng Khôi, em của danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền biên soạn, nói về ngôi mộ cụ Khải tổ Minh Đạo thân sinh ra cụ Đàm Thận Huy sự tích như sau:

Đàm Thận Huy mồ côi cha từ hồi còn thơ ấu, thân mẫu của Đàm Thận Huy ở vậy, thờ chồng nuôi con. Lúc chồng chết, bà mới ước chừng ba mươi tuổi. Vì gia đình họ Đàm lúc ấy không có vai vế trong làng nên dân làng chôn cất thân phụ Đàm Thận Huy ngay tại một “ vũng trâu đầm” ở một bãi tha ma bên cạnh làng. Đó là một chỗ đất trũng sẫn từ trước, dân làng không mất công đào huyệt. Thường ngày, gặp những hôm trời mưa, nước mưa đọng lại chỗ đó, những con trâu trong làng thường lội xuống ngâm mình cho mát, cho nên dân làng gọi chỗ đó là “ vũng trâu đầm”. Sau những trận mưa độ ít ngày, thì nước ở chỗ đó cạn đi, khô đi. Khi thận phụ Đàm Thận Huy chết, gặp lúc đất trũng đó khô ráo, dân làng bèn chôn luôn vào đó cho tiện, khỏi tốn nhiều công đào đất.

Chỉ ước chừng mươi hôm sau khi dân làng chôn cất thân phụ Đàm Thận Huy vào vũng trâu đầm đó, thì thầy địa lý Tả Ao tình cờ qua chỗ mộ này. Cụ Tả Ao thấy ngôi mộ đặt trúng huyệt, cụ bèn hỏi thăm những đứa trẻ chăn trâu ở gần đó để dò xem đó là mộ của nhà nào. Cụ tìm đến nhà này và kiếm cách tiếp xúc với chủ nhà. Cụ Tả Ao giả dạng làm thầy dạy học, và cụ dấu diếm tất cả mọi người trong vùng rằng cụ là thầy địa lý. Cụ nói với thân mẫu Đàm Thận Huy rằng:

- Tôi nghe dân làng nói rằng bác có hai đứa con trai nhỏ, muốn tìm thầy dạy học cho hai đứa này. Tôi là là một thầy dạy học đây, nếu bác ưng thuận tôi có thể dạy hai đứa này.

Bà này thấy ông thầy có tác phong đúng đắn, bèn ưng thuận nuôi ông thầy ngay trong nhà để dạy học cho con. Bà không biết rằng chính đó là cụ Tả Ao (khi ấy cụ Tả Ao nổi danh khắp nơi là một thầy địa lý giỏi), bà chỉ biết đó là một ông thầy dạy học.

Cụ Tả Ao ở tại nhà Đàm Thận Huy hai năm trời mà tuyệt nhiên không hề nói đến việc mồ mả đất đai. Cụ ở đó để ngầm quan sát xem người quả phụ có phải là một người đoan trang đức hạnh không.

Thường ngày, bà để ông thầy ở căn nhà trên, còn mấy mẹ con thì ở căn nhà nhỏ gần bếp. Đến bữa cơm, bà bưng mâm cơm lên nhà trên để ông thầy ăn cơm riêng, khi nào ông thầy ăn xong, thì bà mới bưng mâm xuống nhà dưới để mẹ con cùng ăn. Cụ Tả Ao có những mẹo vặt để dò xét xem bà này có phải là người trung hậu đầy đặn không. Thí dụ khi mâm cơm được dọn lên cho ông thầy ăn có bốn, năm con cá, thì ông thầy chỉ ăn hai con, những con khác còn lại, thì ông lấy đũa chọc nát mắt cá để đánh dấu xem đến bữa sau, bà ta có dọn lên những con cá mà ông đã ăn thừa từ bữa trước không. Nhưng suốt hai năm trời, bà ta không bao giờ dọn lên cho ông thầy ăn những món ăn còn dư từ bữa trước.

Sau khi quan sát lại hai năm trời, cụ Tả Ao nhận thấy bà này quả là một người phúc hậu, đoan trang đức hạnh, không hề có chút gì lẳng lơ chao chát hoặc chua ngoa điêu bạc. Cụ bèn trắc nghiệm một phen cuối cùng.

Một đêm khuya, cụ lần mò đến nhà dưới để ngỏ ý trăng hoa với bà này. Tức thì cụ gặp ngay phản ứng quyết liệt của bà quả phụ. Bà nghiêm nghị mắng ông thầy:

- Tôi tưởng thầy là một người mô phạm đúng đắn, tôi mới đón thầy về dạy học cho con tôi, không ngờ thầy là một người khốn nạn như vậy. Tôi giữ tiết nghĩa với chồng, chớ đâu phải hạng người giăng hoa nhảm nhí. Tôi yêu cầu sáng sớm ngày mai thầy phải ra khỏi nhà này ngay tức khắc, tôi không chứa chấp một người tồi tệ như thầy ở trong nhà!

Lúc bấy giờ cụ Tả Ao mới chậm rải ôn tồn nói:

- Tôi xin lỗi bà, tôi thử xem bà có thật phải là một người đoan trang đức hạnh đấy thôi. Tôi chính là thầy địa lý Tả Ao đây. Suốt hai năm tôi ở trong nhà bà, tôi để ý thì thấy bà quả là người nhân hậu đầy đặn, đáng hưởng phúc của trời. Bây giờ tôi mới nói để bà biết rằng ngôi mộ của bác trai để trúng huyệt rất quý, chỉ hiềm đặt sai hướng, để rồi tôi sẽ đổi hướng ngôi mộ này. Sở dĩ tôi phải đợi đến bây giờ tôi mới nói cho bà điều này, là vì tôi muốn quan sát xem bà có đúng là người đáng được hưởng phúc của Trời, thì tôi mới giúp bà. Lúc vừa rồi , bà có nói rằng bà giữ tiết nghĩa với chồng, thì trong tương lai gia đình bà sẽ được tiết nghĩa.

Sau khi để lại ngôi mộ cho đúng hướng, cụ Tả Ao nói:

Ngôi mộ này sẽ được ba người phong vương.

Qủa nhiên, về sau nhà Lê Trung Hưng phong cho Đàm Thận Huy là “ Tiết Nghĩa Đại Vương”. Người vợ của Đàm Thận Huy mất khi cùng chồng kháng cự với quân Mạc trên đất Thọ Thành-Yên Thế, được phong vương luôn cùng chồng. Đây là trường hợp hi hữu mà một người phụ nữ Việt Nam được phong vương.

Đàm Thận Huy là người ít tuổi nhất trong hai mươi tám vị thuộc Tao Đàn. Ngoài những văn thơ xướng họa và bàn bạc sách vở cùng các vị trong Tao Đàn nay còn ghi trong sử sách, Đàm Thận Huy là một người rất cương trực liêm khiết. Khi Đàm Thận Huy làm Lại bộ Thượng Thư, vua Lê muốn cử luôn em ruột Đàm Thận Huy là Đàm Thận Giản (đỗ Hoàng Giáp) làm Lễ Bộ Thượng Thư. Đàm Thận Huy bèn tâu với vua Lê:

- Muôn tâu Bệ Hạ, trong nước có sáu bộ, hạ thần đã giữ Lại Bộ rồi, nay Bệ Hạ muốn cắt cử em ruột của hạ thần giữ Lễ Bộ nữa, thì hạ thần e rằng ân tứ của Triều Đình, tước lộc của quốc gia sẽ được ban phát cho gia đình kẻ hạ thần này quá nhiều chăng? Nếu Bệ Hạ có ý muốn vậy, thì hạ thần xin từ chức Lại Bộ, để thiên hạ khỏi dị nghị…

Vua Lê rất quý Đàm Thận Huy về điểm này, và thôi không bổ nhiệm Đàm Thận Giản làm Lễ Bộ nữa. Tuy nhiên, về sau Đàm Thận Huy hết sức năn nỉ và xin được về trí sĩ mở trường dạy học, vua cho Đàm Thận Giản được lên giữ Lễ Bộ Thương Thư.

Tuy Đàm Thận Huy đã về trí sĩ, nhưng khi triều đình có việc gì hệ trọng, cũng vẫn mời Đàm Thận Huy đến để hỏi ý kiến, vì nhà vua biết cụ là một người tuyệt đối liêm khiết, bất vụ lợi, một lòng vì dân vì nước.

Trong số những học trò của Đàm Thận Huy, có rất nhiều người về sau đỗ đạt cao, đủ tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhỡn, Thám hoa). Đàm Thận Huy gả con gái lớn cho một học trò về sau đỗ Bảng nhỡn. Người học trò này là người đã đối câu “ Vũ vô quan tỏa năng lưu khách” như sau:

“ Nguyệt hữu loan cung bất sạ nhân”

( Mặt trăng có cái cung nhưng không bắn người)

Đàm Thận Huy khen người học trò này là người trung hậu và gả con gái cho (gả khi người học trò này còn là bạch diện thư sinh, chưa đỗ đạt gì). Người trò này tên là Nguyễn Chiêu Huấn. Về sau, con cháu người học trò này cũng rất hiển đạt, nhiều đời đậu tiến sĩ.

Cách 7 đời sau Đàm Thận Huy một người cháu là Đàm Công Hiệu (Đàm Quốc Sư) cũng được phong là “ Minh Nghĩa Đại Vương”.

Giai thoại về ngôi mộ cụ Khải tổ Minh Đạo dòng họ Đàm do cụ Tả Ao để đất, cho thấy được ý nghĩa sâu sắc đúng với câu “ Phúc đức tại mẫu” rất là chí lý. Giai thoại này làm nổi bật những đức tính cao quý của người Phụ Nữ Việt Nam.

Bài viết khác