GƯƠNG SÁNG DANH THẦN HỌ ĐÀM THẬN VỀ CHỮ ĐỨC SỰ LIÊM CHÍNH CỦA NGƯỜI CHĂN DÂN

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 185
  • Tổng lượt truy cập 450,700
  • Bài viết
  • GƯƠNG SÁNG DANH THẦN HỌ ĐÀM THẬN VỀ CHỮ ĐỨC SỰ LIÊM CHÍNH CỦA NGƯỜI CHĂN DÂN
Ngày đăng: 24/09/2019, 07:36 am
Lượt xem: 1271

GƯƠNG SÁNG DANH THẦN HỌ ĐÀM THẬN VỀ CHỮ ĐỨC

SỰ LIÊM CHÍNH CỦA NGƯỜI CHĂN DÂN


Lê Hồng Chinh

 

Hơn 500 năm trước Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung đã có câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Chữ hiền ở đây có thể hiểu là chữ Đức. Người có đức có tài là vốn quí của thiên hạ, nguyên khí quốc gia nuôi dưỡng tinh anh thể phách của người hiền tài và chính họ đã làm rạng rỡ cho quốc gia dân tộc.
Ngày 09 tháng 09 năm 1969 trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Ba Đình, điếu văn của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có đoạn “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Thế mới biết người có đức có tài có công với dân với nước, bao giờ cũng được lưu truyền trong sử sách và được nhân dân biết ơn kính trọng.
Ở làng Cổ Mặc xứ Đông Ngàn xưa (nay là Làng Me, xã Hương Mạc-thị xã Từ Sơn-tỉnh Bắc Ninh) có dòng họ Đàm Thận đã sản sinh ra những bậc hiền tài trung quân ái quốc, thanh liêm chính trực nêu gương sáng cho muôn đời con cháu. Đó là Tiết nghĩa đại vương Đàm Thận Huy và cháu đời thứ 7 của cụ là Quốc sư đại vương Đàm Công Hiệu.
Đàm Thận Huy (1463-1526) là người tài năng đức độ thấu nhân nghĩa, hiểu lòng người, học vấn uyên thâm làm quan đến chức: Hình bộ thượng thư; Lễ bộ thượng thư; Lại bộ thượng thư. Là thành viên hội “Tao đàn nhị thập bát tú” do vua Lê Thánh Tông làm chủ soái, được nhà vua khen “Thiên hạ đệ nhất danh thi nhân” năm 1510 cụ được triều đình cử làm Chánh sứ bang giao với triều Minh (triều Minh Vũ Tông). Thời ấy đi sứ là nhiệm vụ khó khăn phức tạp, phải là những người kinh bang tế thế “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Du… giữ được quốc thể minh tri, Đàm Thận Huy là một nhà ngoại giao như thế.
Dù được nhà vua tin cậy ở đình cao quyền thế nhưng cụ vẫn giữ được cõi tâm trong sáng xem nhẹ danh lợi, một lòng phò vua giúp nước thương dân không mảy may tư lợi. Quyền thế và của cải đối với cụ như một thứ phù vân. Chính vì thế đường đường là một vị quan thượng thư trải qua ba bộ khi về trí sĩ ở quê nhà vẫn mở trường dạy học giúp dân, giúp đời và vườn ươm ấy đã đơm chồi nẩy lộc, học trò đỗ đủ Tam khôi có những giai thoại còn mãi lưu truyền như “trạng me đè trạng ngọt”. Một vị quan thượng thư đầu triều khi về quê dạy học vẫn tâm niệm câu nói “ giáo bất truyền, sư chi nọa” (dạy chẳng nghiêm là lỗi tại thầy) đây là tâm huyết của nhà sư phạm mẫu mực.
Điểm sáng của Tiết nghĩa đại vương Đàm Thận Huy là cốt cách của người quân tử “ chí công vô tư”. Chuyện kể rằng: Người em trai của cụ là Đàm Thận Giản đỗ Hoàng giáp (khoa Kỷ Mùi 1499) được nhà vua phong làm Thượng thư bộ công. Lúc này cụ đang giữ chức Thượng thư bộ lễ liền khẳng khái tâu với vua rằng “ thần đã làm thượng thư nay em thần cùng làm thượng thư e rằng thiệt cho bậc hiền tài thiên hạ ” và cụ kiên quyết nếu phong cho em làm thượng thư thì cụ xin từ chức, thấy vậy nhà vua đành thôi.
Có quyền uy nhưng không tham uy quyền nên được vua quí, quần thần nể trọng, dân thì tôn kính, cụ luôn nêu gương sáng của bậc chăn dân. Là nhà chính trị thao lược, học vấn uyên thâm và cao hơn là chữ đức sự liêm chính của người làm quan. Cụ để lại cho đời tác phẩm “Sĩ hoạn châm quy” liệt kê các điều mục của người làm quan như: Chính tâm tu thân (tu luyện thân mình cho lòng ngay thẳng); Bảo thư hủ bổng lộc (biết quí trọng giữ gìn lộc nước, tài sản quốc gia); Ngư hạ nghiêm túc (nghiêm túc với kẻ dưới quyền); Hữu ái liêu bằng (yêu quí đồng sự); Chi nhiệm tu tri (biết gánh vác trách nhiệm của mình).
Lược dịch điều mục Chính tâm tu thân trong “Sĩ hoạn châm quy”: Phàm những người làm quan trước tiên phải tu luyện cho lòng mình ngay thẳng sau đó mới giúp người khác ngay thẳng được. Trước hết tâm phải ngay thẳng thì mới làm tốt các công việc được. Cái thiện ác của con người không phải từ tâm mà ra sao? Cho nên mới có câu rằng: “Phải làm con tim mình ngay thẳng thì mới tu được thân, tu được thân thì mới sắp xếp được việc gia đình cho hơp lí, lo được việc gia đình rồi thì mới lo được việc nước, lo được việc nước thì mới khiến dân chúng yên bình.” Lại có câu rằng: “ Cái người làm quan mà thân ngay thẳng thì dẫu không ra lệnh thì công việc vẫn được thi hành, còn cái thân không ngay thẳng thì dù có ra lệnh mọi người cũng không nghe theo.” Có thể làm cho thân mình ngay thẳng thì mới ra làm quan được chứ! còn không giữ được thân ngay thẳng thì sao khiến người khác ngay thẳng được? Nên có câu:“Người làm chính trị thì phải ngay thẳng, thân tâm đã ngay thẳng thì làm việc chính trị tất sẽ đúng đắn. mọi hành vi sự việc sẽ không thiên lệch, không dựa dẫm, hợp với đạo Trung Dung. Đó chẳng là cái lí lẽ đương nhiên sao? Cho nên cái nghĩa của chữ “Chính” thật là lớn lao vậy!
Thật vậy! Thân ngay thẳng thì lòng dạ sẽ không cong vạy, lòng ngay thẳng thì suy nghĩ không bừa bãi. Dòng nước thẳng thì dòng chảy của nó tất sẽ lắng trong, cây thẳng thì bóng của nó tất sẽ thẳng, gia đình chính nghiêm thì mới thuận hoà, đất nước chính nghiêm thì nhân dân mới thuận, nhà vua chính nghiêm thì mới có thánh hiền, thần chính nghiêm thì có bề tôi trung thành. Đạo lí trong thiên hạ cũng chẳng vượt quá được điều này.
Tâm sáng trí cao ngay cả khi cụ mất vẫn khảng khái không tham danh vọng. Có một giai thoại được lưu truyền kể rằng: “sau khi cụ tuẫn tiết triều nhà Mạc cảm kích tấm lòng tiết liệt phong cho cụ tước hầu, nhưng khi rước sắc phong về quê đến chợ Dâu thì bùng cháy” anh linh cốt cách của người quân tử một lòng trung quân ái quốc.
Truyền thống của dòng họ Đàm Thận được tiếp nối, cháu đời thứ 7 của cụ là Đàm Công Hiệu (1652-1721) là người tài đức vẹn toàn là thầy dạy Chúa Trịnh Cương. Được phong nhiều chức tước trong triều, nhưng vẫn có cuộc sống thanh đạm không ỉ quyền thế mà tư lợi của công, dù được Vua yêu Chúa quý. Chuyện kể rằng: khi cụ về trí sĩ chúa Trịnh ngưỡng vọng tài năng đức độ muốn ban bổng lộc liền hỏi: “ Nay khanh về muốn lấy gì trong phủ Chúa ban” cụ một mực từ chối ngọc ngà châu báu chỉ xin mấy bộ sách để dạy học và làm kỷ vật cho con cháu xem để mở mang dân trí. Cõi tâm trong sáng ấy khiến Chúa càng yêu thương cảm phục. Lại có chuyện: một lần về thăm thầy, Chúa tận mắt chứng kiến ngôi nhà thầy vẫn nhà tranh vách đất tuyềnh toàng của vị Quốc sư, vừa là nơi ở vừa là nơi dạy chữ không khỏi làm Chúa ngỡ ngàng, day dứt. Động lòng thương cảm Chúa quyết định dựng cho thầy ngôi nhà khang trang nhưng Quốc sư ngăn lại. Khi cụ yếu lần Chúa về thăm hỏi thấy thầy chỉ nói nhớ khu giảng đường, Chúa quyết tâm di rời khu giảng đường bề thế ở kinh thành về quê dựng cho thầy (nay còn lại 05 gian hậu đường nơi thờ cụ Quốc tại thôn Hương Mạc, được nhà nước xếp hạng di tích danh nhân văn hóa cấp quốc gia năm 1988).
Các danh thần Đàm tộc đã nêu gương sáng chăn dân của những bậc hiền tài, để lại muôn đời cho con cháu suy ngẫm noi theo. Vận nước chuyển vần, dù cường nhược có lúc khác nhau, nhưng hiền tài đời nào cũng có. Các danh thần Đàm tộc chỉ là một phần trong các bậc hiền tài hiển hiện trong suốt 845 năm nền nho học Việt Nam (1075-1919) họ đã làm nên nguyên khí quốc gia những bậc “kẻ sĩ” có tâm, có tài và có tầm. Những bậc minh triết muôn đời sau vẫn nhắc tới, phải kể đến thầy Chu Văn An vì đạo làm người, vì nước vì dân, đã dâng thất trảm sớ trừng trị gian thần sâu mọt đục khoét của dân, làm phương hại đến thanh danh của muôn dân trăm họ.
Trong công cuộc đổi mới của đất nước đang trên đà phát triển những tấm gương xưa của các bậc “kẻ sĩ” về chữ "đức" chữ "tài" sự "liêm chính" của người làm quan hẳn là bài học sâu sắc đối với những người đang giữ trọng trách của đất nước trên mỗi cương vị. Ngẫm xưa, nghĩ nay, những người một lòng phụng sự tổ quốc, phụng vụ nhân dân sẽ còn mãi với non sông đất nước, nếu có tấm lòng thương dân, lo cho dân, không bị cám dỗ trước danh lợi, tiền tài, toàn tâm toàn ý với lý tưởng cao đẹp của loài người. Xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hiện được như vậy. Loài người, dân tộc cần lắm bậc vĩ nhân, những bậc hiền tài để chèo lái, xây dựng đất nước phát triển hưng thịnh xứng tầm với các quốc gia tân tiến trên thế giới. Họ sẽ sống mãi trong lòng dân.

Làng Me, mùa hè 2018 (Mậu Tuất)

Bài viết khác