DANH THẦN ĐÀM THẬN HUY

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 150
  • Tổng lượt truy cập 358,322
Ngày đăng: 16/06/2020, 09:23 am
Lượt xem: 1879

DANH THẦN ĐÀM THẬN HUY

Tiến sĩ Trần Đình Luyện

Hội Sử học tỉnh Bắc Ninh

Đàm Thận Huy là danh thần tiêu biểu nhất của gia tộc họ Đàm thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tìm hiểu thân thế sự nghiệp của Đàm Thận Huy nhằm khẳng định những cống hiến của ông cho lịch sử dân tộc và quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh, đồng thời nhận thức rõ hơn những giá trị của các di sản văn hóa mà Đàm tiên sinh đã để lại cho hậu thế.

Đàm Thận Huy là người con của đất Đông Ngàn - Kinh Bắc - Bắc Ninh - miền quê nổi tiếng hiếu học và khoa bảng.

Nơi đây là trung tâm kinh tế - văn hóa của người Việt cổ; sang nghìn năm Bắc thuộc, Bắc Ninh không chỉ là trung tâm của cuộc đấu tranh chống xâm lược và đồng hóa, mà còn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quận Giao Chỉ, sau đó là Giao Châu. Thủ phủ Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành) là trung tâm Nho học đầu tiên của nước ta, nơi thái thú Sĩ Nhiếp đã mở trường dạy học, tuyển chọn nhân tài qua thi cử. Sĩ Nhiếp được tôn vinh là “Nam Giao học tổ”.

Bước vào thời phong kiến độc lập tự chủ, Bắc Ninh là quê hương nhà Lý - triều đại dựng lập Kinh đô Thăng Long, phát triển nền văn minh Đại Việt với nhiều thành tựu rực rỡ, trong đó có việc lập Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Kinh đô Thăng Long để đào tạo các sĩ tử, thi tuyển người tài ra làm quan. Lê Văn Thịnh - người quê Kinh Bắc - Bắc Ninh là người đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên, được tôn vinh là Trạng Nguyên khai khoa của Đại Việt - Việt Nam.

Sang thời Lê, Bắc Ninh - Kinh Bắc là địa phương đứng đầu cả nước về số người đỗ đại khoa (Tiến sĩ), được mệnh danh là đất của Trạng - Nghè - Cống, trong đó tiêu biểu là huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, được người đời ca ngợi là nổi tiếng thông minh (dốt Đông Ngàn hơn người ngoan thiên hạ). Tính từ thời Lý đến thời Lê Trung Hưng, huyện Đông Ngàn có tới 138 vị đỗ Tiến sĩ, chiếm 1/2  Tiến sĩ của phủ Từ Sơn, trong đó có Nguyễn Quan Quang, quê làng Tam Sơn, người đầu tiên đỗ Trạng Nguyên của nước ta.

Làng Hương Mạc, xưa gọi là phường Ông Mặc, tục gọi làng Me, quê hương họ Đàm là một làng tiêu biểu của huyện Đông Ngàn về truyền thống hiếu học và khoa bảng.

Làng Hương Mạc có tới 10 vị đỗ đại khoa (Tiến sĩ) thời phong kiến trong đó có Nguyễn Giản Thanh, đỗ Trạng Nguyên, nên dân gian vẫn quen gọi là Trạng Me. Gia tộc họ Đàm Hương Mạc là một “Danh gia vọng tộc” nổi tiếng của vùng Kinh Bắc. Chỉ kể riêng gia tộc của Đàm Thận Huy đã có hàng loạt anh, em, con cháu nội ngoại nối đời khoa bảng:

- Đàm Thận Huy đỗ Tiến sĩ, làm quan tới chức Thượng thư.

- Em là Đàm Thận Giản, đỗ Hoàng giáp, giữ chức Thượng thư.

- Con rể: Nguyễn Chiêu Huấn, đỗ Bảng nhãn, giữ chức Thượng thư.

- Anh vợ là Nghiêm Ích Khiêm, đỗ Hoàng giáp, giữ chức Cẩm Y Vệ, Đô chỉ huy sứ.

- Cháu đời thứ 7 là Đàm Công Hiệu, được phong Quốc Sư Đại vương và Quốc Lão.

- Hậu duệ đời thứ 15 là Đàm Liêm đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1895) làm quan Đốc học tỉnh Khánh Hòa, Thanh Hóa.

Thật là một gia đình vinh hiển, được ca ngợi là “Học vấn gia đình Tướng Tướng khoa” (nếp học của gia đình có nhiều người đỗ đạt làm tướng văn, tướng võ). Chính truyền thống tốt đẹp này là môi trường và điều kiện thuận lợi để Đàm Thận Huy được ăn học, dạy bảo chu đáo và sớm trở thành danh nhân khoa bảng và thành đạt bằng sự nghiệp hoạn lộ.

Đàm Thận Huy tự là Mặc Hiên, hiệu Mặc Trai, thụy Qủa Đạt, tứ thụy Trung Hiến, sinh năm Quý Mùi đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận thứ tư (1463). Ngay từ nhỏ, Đàm tiên sinh đã bộc lộ tư chất thông minh và hiếu học. Anh học trò họ Đàm Thận không chỉ biết tiếp thu thụ động những lời thầy dạy và những điều ghi trong kinh sách, mà luôn đào sâu suy nghĩ, phân tích kỹ lưỡng những kiến thức học được để chủ động tiếp thu và hành xử. Sách “Cổ Mặc danh công truyền ký” chép rằng Đàm Thận Huy “luôn nghiên cứu sâu những chỗ vi diệu của thánh hiền, làm sáng tỏ các văn vẻ của đạo đức”. Đó là phẩm chất của một nhà nghiên cứu, của một nhà Nho uyên thâm. Chính tư chất này khiến Đàm Thận Huy sớm thành danh trong khoa cử và sự nghiệp hoạn lộ khá hanh thông.

Khoa thi Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) Đàm Thận Huy đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, năm đó ông 28 tuổi. Ngay sau khi thi đỗ, Đàm Thận Huy được bổ làm quan và vua Lê Thánh Tông đã cử ông là thành viên của Hội Tao đàn nhị thập bát tú do chính nhà vua làm chủ soái.

Đàm Thận Huy làm quan cho sáu đời vua Lê: từ Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông cho đến lúc về hưu. Đây là thời Lê Sơ - giai đoạn thịnh trị nhất của triều Lê - cũng là thời kỳ thịnh trị của chế độ phong kiến Việt Nam với nhiều thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, phát triển nền văn minh Đại Việt. Đây là điều kiện và môi trường thuận lợi để Tiến sĩ Đàm Thận Huy cống hiến tài năng cho đất nước và quê hương.

Đàm Thận Huy làm quan tới chức Đại thần, từng được giao nắm giữ các chức vụ quan trọng: Thượng Thư bộ Hình, Thượng Thư bộ Lễ, tước Lâm Xuyên hầu. Rồi cầm đầu phái bộ nhà Lê đi sứ nhà Minh. Ở nhiệm vụ nào, Đàm Thận Huy cũng thể hiện tài năng mẫn cán, hoàn thành xuất sắc công việc được giao, đồng thời có nhiều đóng góp quan trọng cho nhà vua và triều đình, như:

- Dâng nhiều kế sách hay giúp vua và triều đình củng cố bộ máy nhà nước, xây dựng quốc gia Đại Việt, bảo vệ quốc gia, quốc thể, an dân, phát triển kinh tế - văn hóa.

- Trực tiếp dạy vua học lễ nghĩa, kinh sách, phép trị nước, an dân.

- Khi cuối triều Lê Sơ, các vua có biểu hiện suy thoái: ăn chơi, xa đọa, xây cất lãng phí, một số quan lại sa vào tham nhũng, lãng phí, quan liêu... Đàm Thận Huy đã dũng cảm dâng sớ can ngăn, đồng thời tham gia ngăn chặn, đánh dẹp các thế lực thù địch với vua và triều đình.

- Trong thời gian nhậm chức, bằng kiến thức uyên thâm và những trải nghiệm chốn quan trường, Đàm Thận Huy đã soạn tác phẩm “Sĩ hoạn châm quy”. Đây là sự tổng kết, rút kinh nghiệm trong cuộc đời làm quan của ông, đồng thời là những nguyên tắc, phương châm hành xử của bậc sĩ hoạn chân chính mà Đàm Thận Huy muốn tổng kết vừa để giáo huấn các quan lại đương thời, vừa để lại cho hậu thế. Với tác phẩm này, Đàm Thận Huy đã chứng tỏ là nhà chính trị tài năng và có uy tín lớn với triều Lê.

Những việc làm trên, cùng những kết quả thực hành trên các cương vị được triều đình nhà Lê giao phó, được vua và triều đình ghi nhận, tin tưởng và ban tặng, Đàm Thận Huy thực sự là một quan đại thần văn võ song toàn, đem hết tài năng và tâm đức phò vua giúp nước, thực hiện lý tưởng của bậc đại trượng phu.

Không chỉ là nhà chính trị tài ba, Đàm Thận Huy còn là một nhà thơ nổi tiếng. Ông là thành viên của Hội Tao đàn nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập và làm chủ soái. Thi nhân họ Đàm đã có nhiều bài thơ hay họa lại các bài thơ của nhà vua - nhà thơ Lê Thánh Tông. Đặc biệt, Đàm Thận Huy đã sáng tác tập thơ Mặc trai thi tập nổi tiếng được lưu truyền ở đời. Nhiều bài thơ đã được tuyển chọn trong sách “Toàn Việt thi lục”. Đánh giá về tài thơ của Đàm Thận Huy, chính vua Lê Thánh Tông đã nhận xét và suy tôn: “Thiên hạ đệ nhất danh thi nhân” (nhà thơ số một trong thiên hạ).

Không chỉ là một thi nhân, Đàm Thận Huy còn là một nhà giáo nổi tiếng.

Ngay trong lúc cư quan, Đàm Thận Huy đã được tuyển vào cung để dạy vua. Và chính Đàm tiên sinh đã đứng ra mở trường học và là người trực tiếp truyền dạy các sĩ tử. Hàng trăm người đã đến theo học của trường thầy Đàm Thận Huy lúc ông cư quan nhậm chức cũng như khi ông về hưu. Nhiều học trò của thầy Huy đã đỗ đại khoa và thành danh trong sự nghiệp hoan lộ. Gia phả họ Đàm Hương Mạc, sách “Cổ Mặc danh công truyền ký”, cùng nhiều giai thoại lưu truyền ở vùng Kinh Bắc, đã nói về sự kiện thày Đàm Thận Huy thử tài học trò bằng cách yêu cầu họa lại một vế đối của thầy:

“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”

Qua các câu họa đối của từng học trò, Đàm Thận Huy đã đoán được học vấn, phẩm hạnh của từng người và dự báo được tương lai của từng sĩ tử do ông truyền dạy. Và một thành tựu lớn lao và đặc biệt của thầy giáo Đàm Thận Huy, là ông đã dạy và đoán đúng kết quả tương lai của các học trò mà ông truyền dạy trực tiếp:

- Trong khoa Mậu Thìn (1508) hai học trò của thầy Đàm Thận Huy đã trúng đầu bảng vàng là: Nguyễn Giản Thanh: Trạng nguyên; Nguyễn Hữu Nghiêm: Thám hoa.

- Các khoa sau, các học trò của ông đều đỗ cao là: Nguyễn Tự Cường: Tiến sĩ; Nguyễn Chiêu Huấn: Bảng nhỡn.

Thành quả trên là trường hợp hy hữu trong lịch sử khoa cử thời phong kiến ở Việt Nam, đồng thời chứng tỏ Đàm Thận Huy là nhà sư phạm mẫu mực, một nhà giáo tài ba và tâm đức, đã đóng góp to lớn vào việc giáo dục, đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước.

Nhưng trên hết và trước hết, Đàm Thận Huy là bầy tôi tiết nghĩa của triều Lê sơ. Khi được mật chiếu của vua Lê, mặc dù đã về hưu và ở quê nhà, Đàm Thận Huy đã ngay lập tức tập họp nghĩa binh khởi nghĩa, chống lại sự thoán nghịch cướp ngôi của nhà Mạc. Hàng trăm người đã theo thủ lĩnh Đàm Thận Huy, trong đó có nhiều học trò của ông đang làm quan cho nhà Lê, cả hai con gái của ông, cũng ứng nghĩa, lấy địa bàn Yên Thế (Bắc Giang) để tổ chức đánh đuổi nhà Mạc.

Nhưng khi thấy vận nhà Lê Sơ đã hết và thế của mình không chống nổi nhà Mạc, Đàm Thận Huy đã chủ động giải tán nghĩa binh, cho họ về quê làm ăn, rồi viết thư từ giã bạn bè, di chúc lại cho con cháu và tuẫn tiết, kiên quyết từ chối sự dụ dỗ, mua chuộc của nhà Mạc. Nhiều học trò và con gái của ông cũng tuẫn tiết, được nhà Lê Trung Hưng phong là bề tôi tiết nghĩa.

Hành động hy sinh lẫm liệt của Đàm Thận Huy đã khiến vua Mạc khâm phục về sự trung thành của Đàm tướng công với nhà Lê, nhưng có lẽ do sự kính nể của nhà Mạc đối với tài năng xuất chúng và uy tín lớn lao của Đàm Thận Huy với nhà Lê và dân chúng, nên Mạc Đăng Dung đã ban sắc ca ngợi tài năng, khí tiết của Đàm Tướng công và tôn vinh là bậc Đại trượng phu.

Thời Lê Trung Hưng, nhà vua đã truy phong Đàm Thận Huy là tiết nghĩa Thượng đẳng phúc thần và vợ của ông là Trung đẳng phúc thần, cho lập miếu thờ tại quê và nhân dân làng Hương Mạc thờ làm phúc thần ở đình. Nhiều địa phương ở Bắc Giang cũng thờ Đàm Thận Huy và hai con gái của ông làm phúc thần, hàng năm thờ cúng nhớ ơn.

Như vậy, Tiến sĩ Đàm Thận Huy đã từ vị quan đại thần của triều Lê Sơ, qua quá trình hoạt động và cống hiến cuộc đời và sự nghiệp phò vua giúp nước, đã trở thành một nhà chính trị tài ba, một nhà thơ, nhà sư phạm và nhà giáo mẫu mực và tài giỏi, cuối cùng là một bề tôi tiết nghĩa của nhà Lê. Đàm Thận Huy đã trở thành danh thần của quê hương, đất nước. Tên tuổi, sự nghiệp của Đàm Thận Huy được nhà nước triều Lê ghi nhận và tôn vinh, quốc sử ghi chép và nhân dân quê hương, con cháu trong gia tộc nhớ ơn thờ phụng.

Những di sản tinh thần và vật chất của danh thần Đàm Thận Huy để lại thật quý giá. Công trình thờ quan tiết nghĩa (Tiết nghĩa từ) được vua Lê cho dựng tại quê nhà vào năm 1666, nay đã trở thành di tích lịch sử quốc gia với nhiều hiện vật tài liệu có giá trị lịch sử và văn hóa. Các nơi thờ Đàm Thận Huy và hai người con gái của ông thuộc vùng Tân Yên, Yên Thế (Bắc Giang) cũng đều được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là trung tâm tổ chức các hoạt động tưởng niệm và tổ chức lễ hội của gia tộc và nhân dân địa phương để nhớ ơn quan tiết nghĩa Đàm Thận Huy - một bậc danh thần của quê hương, đất nước.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị các di sản văn hóa về danh thần Đàm Thận Huy, ngoài việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa (đền quan tiết nghĩa, đình làng Hương Mạc...) cần tiếp tục nghiên cứu và công bố những tác phẩm của Đàm Thận Huy như tập thơ “Mặc trai thi tập”, sách “Sĩ hoạn châm quy”, những giai thoại truyện kể về tướng công họ Đàm lúc sinh thời...v..v...

Và với những cống hiến của Đàm Thận Huy cho lịch sử và văn hóa dân tộc và quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh, danh thần Đàm Thận Huy xứng đáng được có tên trên đường phố của thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh, đồng thời nhà giáo tài ba, nhà sư phạm mẫu mực Đàm Thận Huy rất xứng đáng mang tên một trường học của quê hương Hương Mạc, thị xã Từ Sơn./.

Bài viết hội thảo khoa học họ Đàm tháng 4 năm 2015

Bài viết khác