GS ĐÀM THANH SƠN NHẬN GIẢI THƯỞNG CỦA
VIỆN LIÊN HIỆP NGHIÊN CỨU HẠT NHÂN DUBNA
Qúy Hiên
Sau huy chương Dirac danh giá năm 2018, GS Đàm Thanh Sơn lại tiếp tục được giải thưởng N. Bogoliubov của Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna - JINR, một giải thưởng uy tín hàng đầu thế giới dành cho các nhà vật lý.
Thông báo về việc trao giải thưởng N.Bogoliubov 2019 cho GS Đàm Thanh Sơn trên trang của JINR
Trang tin của Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna - JINR, một tổ chức khoa học liên chính phủ đóng tại thành phố Dubna, Nga, vừa đưa tin về giải thưởng N. Bogoliubov dành cho các nhà khoa học xuất sắc năm 2019.
Theo đó, trong phiên họp thứ 127 được tổ chức vào các ngày 20 - 21.2 vừa qua, Hội đồng Khoa học JINR đã thông qua quyết định của ban giám khảo về việc trao giải thưởng N. Bogoliubov 2019 cho 2 nhà khoa học xuất sắc: Dmitry Kazakov (JINR, Dubna) và Đàm Thanh Sơn (Trung tâm Vật lý lý thuyết Kadanoff, Đại học Chicago, Mỹ).
Với GS Đàm Thanh Sơn, Hội đồng khoa học JINR trao giải thưởng lớn cho ông là bởi những thành tựu trong các lĩnh vực sắc động lực học lượng tử, các ứng dụng của lý thuyết dây và tính đối ngẫu giữa lý thuyết trường chuẩn và tính hấp dẫn, ảnh hưởng đến các vấn đề chính của các hệ nhiều vật tương tác mạnh; cho công trình tiên phong của ông về các hệ số truyền dẫn như độ nhớt, độ dẫn và về lý thuyết trường chuẩn 3 chiều liên quan mật thiết.
N. Bogoliubov là giải thưởng lớn được thành lập bởi Ủy ban toàn quyền của chính phủ các quốc gia thành viên JINR vào năm 1995. Giải thưởng được trao 3 năm/lần cho 2 nhà khoa học từ các quốc gia khác nhau.
Việc quyết định trao giải thưởng cho những nhà khoa học nào thuộc Hội đồng khoa học JINR. Đây là hội đồng bao gồm các nhà khoa học nổi tiếng từ các quốc gia thành viên, cũng như các nhà nghiên cứu nổi tiếng từ Trung Quốc, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ấn Độ, Ý, Thụy Sĩ, Mỹ, Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) và các tổ chức khác.
Tên của giải thưởng là tên của GS Nikolay Nikolayevich Bogolyubov, nhà toán học và vật lý lý thuyết xuất sắc của Liên Xô (cũ), giám đốc đầu tiên của Phòng thí nghiệm Vật lý lý thuyết JINR và Giám đốc JINR vào năm 1965 - 1988.
GS Đàm Thanh Sơn cũng được tặng huy chương Dirac, một giải thưởng danh giá bậc nhất thế giới dành cho các nhà vật lý, vào năm 2018. Điều thú vị là GS N.Bogolyubov được truy tặng huy chương Dirac năm 1992 (sau khi ông mất nửa năm).
JINR hiện có 18 quốc gia thành viên: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Cuba, Cộng hòa Séc, Georgia, Kazakhstan, Triều Tiên, Moldova, Mông Cổ, Ba Lan, Romania, Nga, Slovakia, Ukraine, Uzbekistan và Việt Nam.
Sự tham gia của Ai Cập, Đức, Hungary, Ý, Cộng hòa Nam Phi và Serbia vào các hoạt động của JINR dựa trên các thỏa thuận song phương được ký kết ở cấp chính phủ. Cơ quan quản lý tối cao của JINR là Ủy ban toàn quyền của
chính phủ của tất cả 18 quốc gia thành viên. Các thỏa thuận được ký kết ở cấp chính phủ với Ai Cập, Đức, Hungary, Ý, Serbia và Cộng hòa Nam Phi.