13 VỊ TIẾT NGHĨA TRIỀU LÊ TRUNG HƯNG PHONG THẦN

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 98
  • Tổng lượt truy cập 422,380
  • Bài viết
  • 13 VỊ TIẾT NGHĨA TRIỀU LÊ TRUNG HƯNG PHONG THẦN
Ngày đăng: 21/03/2024, 03:45 pm
Lượt xem: 374

13 VỊ TIẾT NGHĨA TRIỀU LÊ TRUNG HƯNG PHONG THẦN

Thời Lê Trung Hưng, được các vua, chúa cùng các văn thần, võ tướng đã trị bình được thiên hạ, hưởng quốc thái dân an. Có quan Tiến sĩ, Thượng thư tham chính quốc lão tham dự triều chính,Thái bảo Yên quận công Phạm Công Trứ (1602-1675) người ở xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Hưng  (nay là thôn Liêu Xuyên, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) 27 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Tham tụng, Lại bộ thượng thư, kiêm Đông các đại học sĩ, chưởng lục bộ sự, hàm Thiếu bảo, được ban Quốc lão, tước Yên quận công. Phạm Công Trứ là người thâm trầm, giản dị, chắc chắn, làm việc có mưu thuật, giúp vương tử, từ khi ở cung tiền để mưu tính nhiều việc lớn lâu ngày, pháp độ kiến minh được nhiều, cụ đã khải tấu 13 vị “Tiết nghĩa” lên triều đình Lê-Trịnh, được chuẩn y, triều đình nhà Lê Trung Hưng truy phong khắc biển đá “Tiết nghĩa từ” làm đền thờ gỗ lim, 13 vị như nhau, vào năm Cảnh Trị tứ niên (1666) đời vua Huyền Tông, 13 vị tiết nghĩa có 12 quan văn, 01 quan võ đều được phong thần. Nhà vua các triều cho đến triều Nguyễn cũng được phong sắc ban mĩ tự, và tên thụy. Đền thờ 13 cụ tiết nghĩa dựng tại bản quán, những thủa ban đầu triều đình còn sai quan phủ, quan huyện đến tiết xuân thu hàng năm phái về 13 đền làm lễ tế, phụng sự y như sự thần. Con cháu 13 họ lập khế ước đi lại với nhau trong ngày giỗ gọi là “Nghĩa tộc”

Thân thế, sự nghiệp của các bậc danh thần-tiết nghĩa theo tài liệu cuốn các nhà khoa bảng Việt Nam và các tư liệu tra cứu, khái lược như sau:

1. Thượng thư Trạng nguyên Vũ Duệ (1468- ? ) người xã Trình Xá, huyện Sơn Vi, trấn Sơn Tây (nay là làng Trình Xá, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) 23 tuổi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Canh Tuất (1490) niên hiệu Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Thánh Tông, cụ vốn tên là Vũ Nghĩa Chi, Vua cho đổi tên là Vũ Duệ, làm quan trải các chức: Bình văn công thần, Lại bộ Thượng thư, kiêm Đông các đại học sĩ, nhập thị kinh diên, Thiếu Bảo, chức Trình Khê hầu. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê theo vua Quang Thiệu vào Thanh Hóa , cụ mặc áo đội mũ chỉnh tề, lạy lăng các vua Lê ở Lam Sơn rồi tự sát. Đến đời Lê Trung Hưng cụ được phong là phúc thần (Thượng đẳng thần)

2. Hộ bộ Thượng thư Tiến sĩ Nguyễn Thiệu Tri (1422-1522) người xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch (nay là xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) 37 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất (1478) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư, được về trí sĩ. Nhà Mạc cướp ngôi, con trưởng theo Mạc cụ giết chết lập con thứ thừa tự, rồi tuẫn tiết được phong phúc thần (Thượng đẳng thần).

3. Thương thư Bảng nhãn Ngô Hoán (1460-1522) người xã Thượng Đáp, huyện Thanh Lâm ( nay là thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) 31 tuổi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Canh Tuất (1490) niên hiệu Hồng Đức 21 đời vua Lê Thánh Tông. Thành viên hội tao đàn nhị thập bát tú, làm quan đến chức Lại bộ thượng thư. Sau khi nhà Mạc cướp ngôi, cụ theo vua Quang Thiệu sang Ai Lao tử tiết (tháng 11/1522) sau nhà Lê Trung Hưng được phong là Suy trung công thần, gia phong phúc thần (Thượng đẳng thần).

4. Thượng thư Tiến sĩ Đàm Thận Huy (1463-1526) người xã ông Mặc, huyện Đông Ngàn (nay là khu phố Hương Mạc, phường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) 28 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Tuất (1490) đời Lê Thánh Tông, thành viên hội Tao đàn nhị thập bát tú, được cử đi sứ sang nhà Minh. Làm quan đến chức: Tán trị công thần, Lễ bộ thượng thư, tri chiêu văn quán, tú lâm cục, kiêm Hàn lâm viện thị độc, chưởng hàn lâm viện sự, Thiếu bảo, nhập thị kinh diên, tước lâm xuyên bá. Khi nhà Mạc cướp ngôi, cụ lui về Bắc Giang mộ binh khởi nghĩa, vì thế ít không địch nổi, nên đã uống thuốc độc tự tử. Sau nhà Lê Trung Hưng xếp hàng kiết tiết tán trị công thần, phong làm phúc Thần (Thượng đẳng thần).

5. Thượng thư Hoàng giáp Lê Tuấn Mậu

Người xã Xuân Lôi, huyện Yên Phong (nay là thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời Lê Thánh Tông, cụ từng được cử đi sứ sang nhà Minh. Làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư, kiêm Đô ngự sử. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Mạc Đăng Dung cưỡng vào triều, cụ dấu đá ở trong tay áo ném Mạc Đăng Dung nhưng không trúng, chịu chết. Sau nhà Lê Trung Hưng được phong phúc thần (Thượng đẳng thần).

6. Hiến sát sứ Hoàng giáp Nguyễn Tự Cường

Người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay là khu phố Tam Sơn, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Giáp Tuất (1514) niên hiệu Hồng Thuận 6 đời vua Lê Tương Dực. Làm quan đến Hiến sát xứ, Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, cụ dấy binh chống cự, thua trận uống thuốc độc tự tử. Sau nhà Lê Trung Hưng phong làm phúc thần (Thượng đẳng thần).

7. Thượng thư Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc (1492- ? ) Người xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi (nay là xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) 27 tuổi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Mậu Dần (1518) niên hiệu Quang Thuận đời Lê Chiêu Tông, làm quan đến chức Thượng thư. Cụ theo vua Lê Chiêu tông vào Thanh Hóa tuẫn tiết được phong thượng đẳng phúc thần.

8. Tham chính Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường

Người ở xã Lý Hải, huyện Yên Lãng (nay là xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) Thi lần thứ 2 đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Tân Mùi (1511) niên hiệu Hồng Thuận 3 đời vua Lê Tương Dực. Làm quan đến chức Tham chính, khi mất được tặng chức Thị lang, phong Phúc Thần (Thượng đẳng thần).

9. Thị lang Tiến sĩ Lê Vô Cương (1481-1526) người xã Thiên Biều, huyện Yên Lãng (nay là thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) 31 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi (1511) niên hiệu Hồng Thuận 3 đời Lê Tương Dực. Làm quan đến chức Thị lang, khi xẩy ra cuộc biến loạn Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, cụ đang giữ chức Hộ bộ tả thị lang, không chịu khuất phục nên bị giết tháng 01/1526. Sau nhà Lê Trung Hưng phong Trung đẳng thần.

10. Thượng thư, Phó đô ngự sử Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm (1491-1525) người ở xã Phúc Khê, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Thọ Khê, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) 18 tuổi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám Hoa) khoa Mậu Thìn (1508) niên hiệu Đoan Khánh 4, đời Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Thượng thư , chưởng hàn lâm viện sự. Khi vua Lê Chiêu Tông chạy ra ngoài cụ giữ chức Phó đô ngự sử, nhận huyết chiếu cùng cụ Đàm Thận Huy về Bắc Giang khởi binh, đại phá quân Mạc ở sông An Thường, sau thế cô thua trận, cụ cùng con trai bị bắt đưa về Thăng Long rồi bị giết. Được phong phúc thần (Trung đẳng thần).

11. Đô ngự sử Hoàng giáp Lại Kim Bảng

Người ở xã Kim Lan, huyện Cẩm Giàng (Nay là thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đỗ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Dần (1518) niên hiệu Quang Thuận 3 đời Lê Chiêu Tông. Làm quan đến chức Đô ngự sử, khi Mạc Đăng Dung sắp lấy ngôi nhà Lê, cụ lánh về quê. Sau bị Mạc Đăng Dung cưỡng ép vời gọi, khi qua giữa sông Nhị Hà, cụ áo mũ chỉnh tề bái vọng về Lam Sơn lớn tiếng chửi Đăng Dung rồi gieo mình xuống sông chết (tháng 1/1526). Triều Lê Trung Hưng truy tặng chức Lễ bộ tả thị lang, tước Quận công xếp vào hàng công thần tiết nghĩa (Trung đẳng thần).

12. Hiệu lí Hoàng giáp Nguyễn Thái Bạt ( 1504-1527) người ở xã Bình Lãng, huyện Cẩm Giàng (nay là thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn (1520) niên hiệu Quang Thiệu 5 đời Lê Chiêu Tông. Làm quan đến Hàn lâm, tháng 11/1526 Mạc Đăng Dung bắt vua Lê Chiêu Tông đưa từ Thanh Hóa ra Thăng Long, cụ bị cưỡng ép vời đến, giả vờ làm người bị bệnh thong manh để được đến gần, nhân đó nhổ nước bọt và chửi mắng Mạc Đăng Dung, cụ bị giết. Triều Lê Trung Hưng xếp cụ vào hàng công thần tiết nghĩa, phong phúc thần (Trung đẳng thần).

13. Võ tướng Bình đồ Nghiêm Bá Ký

Người xã Lương Cầm, huyện Yên phong (nay là thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cụ được phong tước Bình đồ nhi tố bá, cầm quân ra trận, đánh Mạc ở sông Yên Thường, lui về thế thủ ở Bắc Giang cùng các thủ lĩnh nhận huyết chiếu của vua Lê Chiêu Tông, không có quân cứu viện thế yếu, mỗi người tuẫn tiết vì trung nghĩa, báo quốc khác nhau, sử sách để lại. Cụ được phong Trung đẳng phúc thần.

Ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn (2024)

Đàm Thận Sơn - Trưởng tiểu BQL di tích họ Đàm thận
Phụng soạn

Bài viết khác