ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ BÀI THƠ
“TƯ GIA TƯỚNG SĨ” CỦA CỤ ĐÀM THẬN HUY
NGỌC BÍNH
(Hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh)
Qua gia phả dòng họ Đàm Thận và tư liệu của Viện Hán Nôm đã công bố trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng.
Chúng tôi được biết về thân thế, sự nghiệp của cụ Tổ dòng họ Đàm Thận ở thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Tiến sĩ Đàm Thận Huy một trong hai mươi tám vị trong “Tao đàn nhị thập bát tú” đời Lê Thánh Tông. Danh nhân văn hóa đất Việt.
Cụ sinh năm Qúy Mùi (1463) đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), cụ làm quan trải qua các triều vua: 1. Lê Thánh Tông 8 năm; 2.Lê Hiến Tông 6 năm; 3.Lê Túc Tông và Lê Uy Mục 5 năm; 4. Lê Tương Dực 7 năm; 5. Lê Chiêu Tông 5 năm và dựng cờ khởi nghĩa chống Mạc Đăng Dung 5 năm.
Được người đời ca ngợi là một ông quan thanh liêm, một lòng trung với vua (Trung thần bất sự nhị quân) như cụ tự khẳng định (khi nhà Mạc cho người mời cụ ra giúp nhà Mạc). Trong mọi cuộc hội thảo sau này người ta nói đến lòng trung quân ái quốc, đức tính liêm khiết, đức độ, giỏi cả văn lẫn võ là hướng chủ đạo. Nhưng thật thiếu sót nếu bỏ qua sự nghiệp văn chương của cụ.
Mặc dù tác phẩm văn học do cụ sáng tác để lại cho đời sau không nhiều. Hiện tại chỉ tìm thấy: Tập “Quỳnh uyển cửu ca” là tác phẩm in chung có nhiều tác giả. Các tập in riêng có: “Mặc trai thi tập”, “Minh lương cẩm tú” và đặc biệt là cuốn: “Sĩ hoạn châm quy”. Nội dung đề xuất đến tiêu chuẩn vàng cho những người được bổ làm quan phải có. Tiêu chuẩn ấy có thể áp dụng trong mọi thời đại (kể cả ngày nay). Nếu triều đại nào cũng áp dụng và người làm quan nào cũng tuân thủ thì triều đại ấy sẽ thịnh trị và tồn tại lâu dài.
Là một người yêu văn học, tôi xin mạo muội trước các vị quan khách, các nhà văn nhà thơ có mặt. Xin trích ra bài thơ: “Tư gia tướng sĩ” của cụ. Vốn bài thơ này được sáng tác bằng chữ Hán, bài thơ được truyền tụng qua nhiều triều đại có tính phổ thông vì chất nhân văn của nó.
Hiện nay số người biết chữ Hán không còn mấy. Xin phép cho tôi được trích bài thơ này qua bản dịch của Viện Hán Nôm ra chữ quốc ngữ và có vài điều tản mạn về ý nghĩa của bài thơ.
TƯ GIA TƯỚNG Sĩ
(Tướng sĩ nhớ nhà)
Hàng hàng chẳng gặp một người quen
Trăng lạnh tiêu tao bóng dọi dèm
Lớn mật rượu tan buồn tựa thắt
To gan gió nổi thẳm như nêm
Tơ vò ngàn mối lòng da diết
Thư cá dặm trường tin vắng thêm
Biết đến khi nào xong việc nhỉ?
Về quê thăm mẹ tựa bên thềm!
Trong các tư liệu không thấy ghi chép bài thơ xuất xứ trong thời gian nào nhưng nội dung bài thơ cho ta biết hoàn cảnh nó ra đời trong một chiến dịch quân sự của triều đình nhà Lê, mà tác giả lúc ấy đang tham gia trong bộ chỉ huy với vai trò tham quân.
Là một vị tướng, cụ thừa hiểu: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Dù là cuộc chiến nào thì sau nó là những mất mát đau thương cho hàng vạn gia đình ở mỗi bên tham chiến. Ngay trong đoàn quân dưới quyền, hàng hàng lớp lớp sĩ tốt đang có mặt trong quân doanh nhưng không thể tìm thấy người thân quen của mình “hàng hàng chẳng gặp một người quen”.
Tự nhiên con người ta lúc ấy chỉ biết trông trời nhìn đất mà hy vọng. Những khi màn đêm buông xuống, dưới ánh trăng ảo mờ chỉ có bóng mình, bóng đồng đội lởn vởn gần xa bên lều vải thật là: “…Trăng lạnh tiêu tao bóng dọi dèm”, mà xua đi nỗi nhớ nhà mỗi khi sắp bước vào trận đánh. Với tiếng gươm khua, ngựa hí, máu đổ, đầu rơi. Cuộc sống của tướng sĩ lúc này gấp gáp lạ thường. Để quên đi nỗi sợ hãi, dù người ấy có gan dạ dũng cảm bao nhiêu trong chiến trận. Sau những cơn say, tỉnh lại mới thấy nỗi cô đơn đáng sợ khi ngày mai cái chết không biết sẽ xẩy ra lúc nào, nên mới thốt ra: “…Lớn mật rượu tan buồn tựa thắt/ To gan gió nổi thẳm như nêm…”, càng tỉnh càng suy nghĩ miên man. Trong thâm tâm nẩy ra bao nhiêu điều không biết thế nào là phải.
Chính lúc này rất cần sự an ủi động viên của người thân. Khi ngoảnh lại chỉ thấy quanh mình những đồng đội cũng đang thấp thỏm chờ mong một chút tin nhà. Thật là: “…Tơ vò ngàn mối lòng da diết/ Thư cá dặm trường tin vắng thêm”… Tất cả giờ đây chỉ còn biết trông chờ vào số phận đỏ đen của mỗi con người. Tự mình động viên mình: hãy cứ sống cứ ra trận dù chẳng “…biết đến khi nào xong việc nhỉ?” Nếu chết đi chẳng nói làm gì. Nhưng sau cuộc chiến còn sống thì điều đầu tiên phải nghĩ đến là người mẹ đã cạn khô nước mắt, mong ngóng tin con hết tháng này qua năm khác, khi “về quê thăm mẹ tựa bên thềm”.
Qua tác phẩm này ta có thể kết luận cụ Tiến sĩ Đàm Thận Huy một vị tướng quyền thế mà thấu hiểu tâm tư tướng sĩ dưới quyền như vậy, quả là một con người: Chính khí, từ tâm, đức độ. Chính vì lẽ này mà tác phẩm khác của cụ là: “Sĩ hoạn chân quy” khi viết xong đã được lớp sĩ tử cả nước lấy làm kim chỉ nam cho sự nghiệp khoa bảng của mình./.