PHÁT BIỂU KẾT THÚC HỘI THẢO KHOA HỌC

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 518
  • Tổng lượt truy cập 358,892
  • Bài viết
  • PHÁT BIỂU KẾT THÚC HỘI THẢO KHOA HỌC
Ngày đăng: 24/09/2015, 08:31 am
Lượt xem: 2044

PHÁT BIỂU KẾT THÚC HỘI THẢO

 

Trần Đình Luyện

Phó chủ tịch Thường trực Hội sử học Bắc Ninh

 

 

Kính thưa các vị đại biểu!

Sau một ngày làm việc khẩn trương sôi nổi và trách nhiệm, cuộc hội thảo khoa học “ Họ Đàm trong lịch sử dân tộc và thân thế sự nghiệp Quan tiết nghĩa Đàm Thận Huy” đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra. Thay mặt Ban chủ trì Hội thảo, tôi xin đánh giá khái quát kết quả cuộc hội thảo như sau:

1. Cuộc Hội thảo đã vinh dự được đón tiếp các đại biểu:

- Lãnh đạo Sở n hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh.

- Lãnh đạo UBND Thị xã Từ Sơn.

- Lãnh đạo xã Hương Mạc và thôn Hương Mạc.

- Đại biểu các chi tộc họ Đàm ở nhiều tỉnh thành trong nước và đông đảo thành viên gia tộc họ Đàm thôn Hương Mạc, đại biểu Lê tộc kết nghĩa, họ Nguyễn Việt Nam.

- Đông đủ các nhà nghiên cứu tham gia Hội thảo thuộc nhiều cơ quan chuyên môn ở Trung ương, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt có sự tham dự của Đại lão giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu (cháu ngoại họ Đàm Hương Mạc).

Sự có mặt của các vị đại biểu là nhân tố quan trọng đầu tiên cho sự thành công của cuộc Hội thảo.

2. Trước khi bước vào Hội thảo, các đại biểu tham dự đã kính cẩn làm lễ dâng hương tưởng niệm Quan tiết nghĩa Đàm tướng công tại “Tiết nghĩa từ” ở quê hương Hương Mạc, để bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn vị danh thần tiêu biểu của gia tộc và của quê hương, đất nước.

3. Cuộc Hội thảo bắt đầu bằng phát biểu khai mạc của lãnh đạo Sở n hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và trình bày bản đề dẫn của Ban chủ trì cuộc Hội thảo. Sau đó, cuộc hội thảo đã giành toàn bộ thời gian nghe các tác giả trình bày các bản tham luận khoa học, nhiều đại biểu đã tham gia phát biểu, bàn thảo những nội dung của cuộc Hội thảo.

Bằng các nguồn tư liệu chính sử và dã sử, đặc biệt là đi sâu khai thác các nguồn tư liệu do các chi tộc, gia tộc họ Đàm cung cấp, nhất là các tư liệu lưu trữ tại các cơ quan Trung ương, tại các di tích về các danh nhân họ Đàm và di tích về quan tiết nghĩa Đàm Thận Huy ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, tại quê hương Hương Mạc và thành phố Hà Nội, các nhà khoa học đã bước đầu làm sáng tỏ một số vấn đề về lịch sử, truyền thống họ Đàm, về thân thế sự nghiệp danh nhân Đàm Thận Huy, đồng thời tiếp tục đặt ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu. Cụ thể như sau:

a/. Về lịch sử phát triển của họ Đàm:

Đề cập đến nội dung này có các tham luận của đại biểu các chi tộc họ Đàm ở các tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, Thái Nguyên, Thái Bình, của Trưởng ban liên lạc họ Nguyễn Việt Nam, đại biểu của Lê tộc kết nghĩa và tham luận của PGS. Tiến sỹ Sử học Đàm Đức Vượng - Viện trưởng Viện nghiên cứu nhân tài nhân lực Việt Nam. Các bản tham luận đã đưa ra một số đánh giá quan trọng sau đây:

- Họ Đàm có mặt cư trú, làm ăn sinh sống lâu đời ở Việt Nam, có thể từ đầu Công Nguyên và phát triển thành một dòng họ lớn, gồm 4 dòng tộc: Dòng tộc ở Phú Thọ và các tỉnh phía Bắc, dòng tộc ở Ninh Bình, tộc họ Đàm thời Lý và dòng tộc họ Đàm ở quê hương Hương Mạc, trong đó dòng họ Đàm Ngọc Nga thời đầu Công Nguyên là cổ xưa nhất và dòng họ của Tướng công Đàm Thận Huy ở Hương Mạc là lớn nhất. Trải trường kỳ lịch sử trên 2000 năm, họ Đàm đã trở thành một trong nhưng dòng họ lớn nhất ở Việt nam. Hiện nay, họ Đàm đã phát triển tới 2 triệu người, cư trú ở 63 tỉnh thành trong nước và có mặt làm ăn ở 20 nước trên thế giới.

b/. Về truyền thống của họ Đàm:

Các tham luận đã đi sâu nghiên cứu lịch sử của gia tộc, các chi tộc, các danh nhân họ Đàm trong lịch sử, đi tới những đánh giá về truyền thống lịch sử và văn hóa họ Đàm như sau:

- Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, họ Đàm đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng nền văn hiến Việt Nam.

- Hầu như thời đại lịch sử nào, họ Đàm cũng có các danh nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - nghệ thuật, như Đàm Ngọc Nga - danh tướng của Hai Bà Trưng, các Hoàng thái hậu, Hoàng hậu của triều Đinh, triều Lý, các vị Thiền sư danh tiếng như Đàm Cửu Chỉ, Đàm Khí, quan đại thần như Đàm Dĩ Mộng. Đặc Biệt dưới các triều Lê, Trịnh và Nguyễn, họ Đàm đã cống hiến cho đất nước nhiều danh nhân, trong đó có các vị quan đại thần với tài năng văn võ song toàn, nhiều nhà văn hóa, nhà giáo nổi tiếng như Đàm Thận Huy, Đàm Công Hiệu, Đàm Văn Lễ... trở thành những danh thần của quê hương, đất nước, được sử sách ghi chép và ca ngợi, nhân dân nhớ ơn, thờ phụng.

- Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, gia tộc họ Đàm đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiêu biểu là các tướng lĩnh, các nhà hoạt động chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, như Thượng tướng Đàm Quan Trung, Trung tướng Đàm Văn Ngụy, Thiếu tướng Đàm Đình Trại, các nhà khoa học giáo sư Đàm Trung Phường, giáo sư Đàm Trung Đồn, giáo sư Đàm Thanh Sơn, nữ nhà giáo Đàm Lê Đức, nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên...

Vấn đề lịch sử và truyền thống của gia tộc họ Đàm - một dòng họ lớn và có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ như nguồn gốc, quá trình phát triển và mối quan hệ giữa các tộc họ Đàm, truyền thống văn hóa, thân thế và sự nghiệp của các danh nhân tiêu biểu...v..v...

c/. Về danh nhân Đàm Thận Huy:

Phần lớn các bản tham luận của các nhà khoa học tham gia cuộc Hội thảo đều tập trung vào việc đánh giá Quan tiết nghĩa Đàm Thận Huy - danh nhân tiêu biểu nhất của gia tộc họ Đàm. Các vấn đề như truyền thống quê hương Từ Sơn - Đông Ngàn, truyền thống của làng Hương Mạc, của gia tộc họ Đàm Thận, đến bối cảnh lịch sử thế kỷ XV - XVI, cuộc đời và sự nghiệp hoạn lộ đến những đóng góp của Đàm Thận Huy trong lúc cư quan nhậm chức cũng như lúc về hưu, làm thủ lĩnh phong trào chống Mạc đều được các nhà nghiên cứu, phân tích đánh giá trên cơ sở các nguồn sử liệu hết sức phong phú và giàu sức thuyết phục. Các ý kiến đều cơ bản thống nhất về danh nhân Đàm Thận Huy như sau:

- Vốn có tư chất thông minh, lại hiếu học và có ý chí tiến thủ, tiếp thu truyền thống của quê hương và gia tộc, năm 28 tuổi, Đàm Thận Huy đã thi đỗ Tiến sỹ khoa thi năm Canh Tuất (1490), trở thành người mở đầu cho truyền thống hiếu học và khoa bảng của họ Đàm làng Hương Mạc.

- Sau khi thi đỗ đại khoa, Đàm Thận Huy đã được bổ làm quan và liên tục giữ chức đại thần trải 6 triều vua Lê, trong đó có triều vua Lê Thánh Tông - triều vua hưng thịnh nhất của chế độ phong kiến Việt Nam.

- Với trọng trách là quan đại thần, Đàm Thận Huy đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được triều đình giao phó, chứng tỏ  là  người văn võ song toàn, một nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự tài ba và nhất mực trung thành với nhà Lê, cống hiến toàn bộ tâm trí vào việc xây dựng triều chính, bảo vệ và xây dựng quốc gia.

- Đàm Thận Huy còn là một nhà văn hóa tiêu biểu - thành viên ưu tú của “Tao đàn nhị thập bát tú” do vua Lê Thánh Tông làm chủ soái, và ông được nhà vua tôn vinh, ca ngợi là “đệ nhất danh thi nhân”. Ông còn là một nhà giáo mẫu

mực và tài năng, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, quê hương.

- Cuối cùng, Đàm Thận Huy là thủ lĩnh phong trào “Cần Vương chống Mạc”, nêu một tấm gương nghĩa liệt về sự trung thành đến cùng với triều nhà Lê, được triều đình truy phong là bậc “Tiết nghĩa”, ban sắc là bậc Thượng đẳng thần để gia tộc, quê hương Hương Mạc và nhiều làng xã thờ phụng, nhớ ơn.

- Cuộc đời sự nghiệp và những cống hiến của ông cho nhà Lê và quê hương, đất nước, cùng những di sản tinh thần của ông để lại như tác phẩm “Sĩ hoạn châm quy”, các bài thơ trong “Toàn Việt thi tập”, đã đưa Đàm Thận Huy trở thành danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu của họ Đàm và của dân tộc. Tên tuổi - sự nghiệp của Đàm Thận Huy được sử sách ghi chép và ca ngợi, gia tộc họ Đàm và nhân dân nhớ ơn, thờ phụng tôn nghiêm.

- Noi gương Đàm Thận Huy, các bậc hậu duệ và các học trò của ông đã kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học khoa bảng, nhiều người đã trở thành các bậc đại khoa (Tiến sỹ), các quan đại thần của các triều Mạc, Lê Trung Hưng và triều Nguyễn, cống hiến tài năng và tâm đức cho công cuộc kinh bang tế thế, như Đàm Thận Giản (em ruột Đàm Thận Huy), các hậu duệ Đàm Đình Cư, Đàm Tung, Đàm Liêm. Đàm Công Hiệu. Các học trò như Nguyễn Giản Thanh, Nguyễn Hữu Nghiêm, Nguyễn Chiêu Huấn, Nguyễn Tụ Cường, Lê Tuấn Mậu,  đặc biệt Đàm Công Hiệu đã trở thành Quốc sư và Quốc lão dưới triều Lê - Trịnh. Thật là một gia đình, dòng họ vinh hiển, xứng đáng được tôn vinh “Học vấn gia đình tướng tướng khoa”, một “Thế gia vọng tộc” của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh.

Tuy nhiên đối với Đàm Thận Huy, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ, đặc biệt cần quan tâm sưu tầm các di cảo của công để lại như các bài thơ chứ Hán trong thời gian ông tham gia “Hội tao đàn”, vấn đề nghiên cứu đánh giá tác phẩm “Sĩ hoạn châm quy”, hay thời kỳ Đàm Thận Huy làm thủ lĩnh phong trào “Cần Vương chống Mạc”, những cống hiến của nhà giáo Đàm Thận Huy..v..v...

d/. Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gia tộc họ Đàm và danh nhân lịch sử - văn hóa Đàm Thận Huy.

Đây là vấn đề có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn to lớn, vì vậy được nhiều nhà khoa học, nhất là các nhà lãnh đạo, quản lý vá cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa quan tâm nghiên cứu. Trong cuộc hội thảo này có hơn 10 bản tham luận đề cập đến những nội dung trên. Tựu trung lại, các bản tham luận đã trình bày các kết quả nghiên cứu và đề xuất một số nội dung sau đây:

- Các chi tộc họ Đàm ở các tỉnh thành trong cả nước đã bước đầu được kết nối với việc thành lập Ban vận động thành lập Liên hiệp họ Đàm Việt Nam.

- Việc nghiên cứu họ Đàm đã và đang được xúc tiến với việc biên soạn bộ sách “Lịch sử họ Đàm Việt Nam”.

- Đáng chú ý là việc nghiên cứu họ Đàm Thận tại quê hương Hương Mạc đã được nhà nghiên cứu Trần Ngọc Uyển (Đại học Sư phạm Hà Nội) chọn làm đề tài luận văn Thạc sỹ Khoa học lịch sử: “Lịch sử văn hóa dòng họ Đàm Thận ở Hương Mạc - Từ Sơn - Bắc Ninh từ thế kỷ XV đến nay”. Việc quan tâm nghiên cứu trên cùng với việc kết nối các chi tộc họ Đàm đã là cơ sở để tiến hành bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa của họ Đàm trong cuộc sống đương đại.

- Các di sản văn hóa của các danh nhân họ Đàm và của quan Tiết nghĩa Đàm Thận Huy đã được các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa và ngành Văn hóa quan tâm từ nhiều năm nay. Đặc biệt hầu hết các công trình thờ tự các danh nhân họ Đàm và Đàm Thận Huy ở Hương Mạc và nhiều địa phương đã được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia. Kết quả đó khẳng định sự đánh giá đúng đắn của nhà nước ta đối với những cống hiến to lớn của các danh nhân họ Đàm, đặc biệt là quan Tiết nghĩa Đàm Thận Huy đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở đó, việc tu bổ tôn tạo đã được tiến hành với sự trợ giúp của nhà nước và sự đóng góp của nhân dân các làng xã, đặc biệt là của các gia tộc, các chi tộc họ Đàm. Nhiều nguồn tài liệu, cổ vật quý có giá trị lịch sử - văn hóa đã được các gia tộc lưu giữ chu đáo, đặc biệt là nguồn tài liệu cổ vật về Đàm Thận Huy được hậu duệ ở Hương Mạc lưu giữ cẩn trọng. Các kết quả trên đã tạo điều kiện để các chi tộc, gia tộc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - tâm linh có giá trị giáo dục truyền thống rất sâu sắc và thiết thực, như giỗ tổ, giỗ các danh nhân, tổ chức lễ hội, gặp mặt các thành viên trong gia tộc, tổ chức các hoạt động khuyến học, tôn vinh các tài năng của con em trong dòng họ, gia tộc. Các chi tộc đã làm tốt các hoạt động trên, đặc biệt là các chi tộc họ Đàm ở quê hương Hương Mạc. Kết quả các hoạt động trên đã tăng cường niềm tự hào của các thành viên trong mỗi gia tộc, chi tộc, tạo thêm nội lực để mỗi người hăng hái phấn đấu, phát huy truyền thống của dòng họ, cống hiến tài năng, sức lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Vấn đề bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa họ Đàm nhằm góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa theo đường lối đổi mới của Đảng, đòi hỏi sự tham gia của các gia tộc, các chi tộc với nhiều công việc và cần sự đóng góp tiếp tục về công sức, trí tuệ và nguồn lực tài chính của toàn thể các thành viên họ Đàm. Trong đó đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các gia tộc, chi tộc và toàn thể dòng họ với chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương, với ngành Văn hóa - thể thao và Du lịch từ Trung ương đến địa phương mới đạt hiệu quả thiết thực.

Riêng với quan Tiết nghĩa Đàm Thận Huy - danh nhân tiêu biểu trên lĩnh vực lịch sử - văn hóa và giáo dục, ông rất xứng đáng được mang tên một đường phố ở thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, đông thời mang tên một trường học hoặc một công viên văn hóa ở quê hương Từ sơn - Hương Mạc. Trân trọng đề nghị các cấp chính quyền của tỉnh Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn quan tâm giải quyết nguyện vọng chính đáng trên của các đại biểu tham dự Hội thảo và toàn thể thành viên họ Đàm.

Kính thưa các vị đại biểu và các nhà khoa học. Đây là cuộc Hội thảo khoa học đầu tiên về họ Đàm trong lịch sử Việt nam và thân thế sự nghiệp quan Tiết nghĩa Đàm Thận Huy. Qua cuộc Hội thảo, nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ, đồng thời cũng chỉ ra nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu. Song căn cứ vào mục đích, yêu cầu và những nội dung đặt ra trong bản đề dẫn, có thể đánh giá, cuộc Hội thảo đã đạt kết quả tốt đẹp và thành công rực rỡ. Trân trọng cám ơn sự tham gia của các nhà nghiên cứu và sự có mặt tham dự của các vị đại biểu. Cảm ơn sự phối hợp, tham gia tích cực và trách nhiệm của các chi tộc họ Đàm, đặc biệt là gia tộc Đàm Thận tại quê hương Hương Mạc. Chúc sức khỏe, hạnh phúc tới các vị đại biểu.

Xin trân trọng cám ơn!

Bài viết khác