Một người thầy đáng kính

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 190
  • Tổng lượt truy cập 359,096
Ngày đăng: 16/07/2013, 09:34 am
Lượt xem: 1156

ĐẤT VIỆT TRỒNG NGƯỜI

MỘT NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH

 

Đàm Công Hiệu ( 1652-1721) nổi tiếng là người tài cao đức rộng trong thời vua Lê chúa Trịnh. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Me, huyện Đông Ngàn ( nay thuộc thị xã Từ Sơn-Bắc Ninh). Ông từng làm quan trong triều tới chức Thượng thư, được phong tước Quận công. Khi tạ thế được sắc phong là Quốc sư Đại Vương.

Vốn giàu lòng nhân ái, khi còn làm tri phủ Thanh Oai-Sơn Tây, gặp năm mất mùa đói kém, Đàm Công Hiệu đã cùng gia đình ăn khoai sắn thay cơm như dân thường hàng tuần liền, luôn đồng cam cộng khổ với dân nghèo. Nhiều nhà giầu đã đem gạo đến biếu, ông đều không nhận mà khuyên họ đem về cho người già trẻ nhỏ hay ban phát cho những kẻ khốn cùng.

Làm quan trong triều, ông cũng nổi tiếng là người công minh chính trực. Trọng tài đến mức, Chúa đã vời ông vào phủ làm thầy dạy cho Thế Tử. Đàm Công Hiệu đã có công dạy dỗ cho hai cha con, hai thế hệ Chúa là Trịnh Cương và Trịnh Giang. Cả hai vị Chúa này đều xứng danh là những bậc minh quân.

Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, rồi đến Thượng thư bộ Công, lại là thầy học của hai đời nhà Chúa, Đàm Công Hiệu muốn gì mà chẳng được, cần gì mà chẳng có, nhưng ông luôn luôn liêm khiết để giữ cuộc sống thanh bạch đến trọn đời.

Năm 1720, vì già yếu, ông xin về nghỉ ở quê nhà. Nghe tin ông bị ốm, Chúa Trịnh Giang đã không quản đường xá xa xôi về tận nơi thăm thầy học. Nhìn tận mắt thấy cảnh nhà thầy sơ nghèo túng, Chúa vô cùng ái ngại ngỏ lời muốn cắm đất xây nhà khang trang cho thầy được sung sướng lúc tuổi già, nhưng thầy xin từ chối. Chúa lại hỏi thầy có mong ước gì để trò xin đáp ứng? Thầy Đàm Công Hiệu liền khải với Chúa rằng:

- Tôi vốn sinh trưởng trong cảnh hàn vi may mà gặp thời. Nhờ ơn đức như ngày nay đã là quá lắm, chẳng dám mong ước gì hơn. Chỉ mong sao chóng khỏi bệnh để lại được vào thăm chốn giảng đường xưa cho đỡ nhớ nhung!

Một vị quan lớn như thế, một ông thầy danh giá như thế mà vẫn luôn giữ được nếp sống thanh bạch và nhân hậu trọn đời như vậy. Thật đáng để cho muôn đời sau kính trọng.

DƯƠNG VĂN LÂM
( Tam Hợp - Tam Đảo - Vĩnh Phú )

Bài viết khác