GIẢNG ĐƯỜNG VĂN MIẾU XƯA

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 100
  • Tổng lượt truy cập 450,615
Ngày đăng: 11/07/2014, 03:55 pm
Lượt xem: 1447

GIẢNG ĐƯỜNG VĂN MIẾU XƯA

Nhã Long

(Bài đăng trên báo Nhân Dân ngày chủ nhật 02/8/1987)

 

Vùng Me xứ Kinh Bắc xưa, Hà Bắc ngày nay, là đất khoa bảng có tiếng. Me là tên dân dã. Đời nhà Thục gọi là Cổ Mặc, nhà Trần gọi là Trung Mi phường, nhà Lê gọi Ông Mặc xã, nhà Nguyễn đổi thành Hương Mặc, Hương Mặc được giữ tên đến ngày nay, gồm ba làng Kim Thiều, Hương Mặc, Vĩnh Thọ.

Giữa làng Me có một nhà thờ, thờ cụ Đàm Quốc Sư ( Đàm Công Hiệu), tự Mai Hiên, tứ thụy Trung Vĩ, đỗ Nho sinh trúng thức năm 22 tuổi , được bổ làm quan và dạy học, có nhiều học trò học giỏi đỗ cao. Chúa Trịnh mời cụ vào dạy học trong vương phủ. Cụ dạy Trịnh Cương và được giữ chức công bộ thượng thư, tước bá. Đến năm Canh Tý (1720) cụ 69 tuổi, được về trí sĩ.

Năm Bảo Thái thứ hai (1721), Trịnh Cương về thăm thầy, thấy nhà thầy vẫn nhà tranh vách đất đất chật hẹp. Trịnh Cương muốn mua đất chung quanh làm nhà khác cho thầy, nhưng cụ Đàm Công Hiệu không nghe. Trịnh Cương hỏi thày có mong muốn gì không ? Cụ Đàm nói: “ Tôi vốn nhà hàn vi, được thế này là mừng rồi. Tôi chỉ mong sao khỏi bệnh để lại được vào thăm chỗ giảng đường xưa”. Trịnh Cương bèn cho dỡ giảng đường chuyển về quê cụ Đàm, dựng nhà cho cụ. Khi cụ mất, vua Lê dành ba ngày (quốc tang) và sai quan về sắp sửa tang nghi. Ngôi mộ của cụ được táng ở làng Lỗ Khê  (Liên Hà, Hà Nội). Cụ được phong Quốc sư đại vương.

Nhà giảng đường xưa gồm hai tòa, mỗi tòa chín gian theo kiểu chồng diêm kẻ tiện làm bằng gỗ xoan, hiện nay đã sửa chữa còn lại năm gian, rộng 7m, dài 12,5m, thềm cao 60 cm. Nền nhà được lát gạch vuông Bát Tràng có cửa bức bàn. Xương nhà 24 hàng cột được kê bằng đá tảng, với sáu bộ vì kèo kết cấu kiểu chồng giường giá chiêng. Những bức cốn là những con giường cụt xếp chồng lên nhau, các đấu đỡ được chạm khắc hoa văn cụm mây dấu hỏi, chỉ có kẻ ngỗng chạm hình rồng và bổ soi quai lá. Nhìn chung kiến trúc giản dị, thanh nhã.

Ngôi nhà học ở Văn Miếu xưa đó, nay là nơi tưởng niệm nhà giáo Mai Hiên đức độ, có tài. Cụ đương thời làm quan thanh bạch, nhà nghèo. Khi Trịnh Cương lên ngôi chúa, thường lui tới thăm cụ và ngỏ ý biếu đãi rất hậu, nhưng cụ đều từ chối. Một lần, chúa ép mãi, cụ mới xin mấy nghìn bộ sách ở kho giảng đường để truyền lại cho học trò và con cháu được học hành rộng thêm.

Gần nhà thờ cụ Quốc sư là nhà thờ cụ Đàm Thận Huy nhà thờ được mang miễu hiệu “tiết nghĩa từ”, một trong 28 vị ở hội Tao đàn thời Lê Thánh Tông (Cụ Quốc sư cháu 7 đời cụ Huy) Điều đáng quan tâm là ở nhà thờ còn có bia ký được khắc năm 1670, chế biểu bia đá vua ban tặng. Cụ Huy là người thông minh, khí khái, học giỏi văn hay, thơ phú rất tài, được vua Lê Thánh Tông khen  “ Người hay thơ nhất trong thiên hạ” có thơ trong các tác phẩm “ Hải môn lữ thứ”, “ Minh lương cẩm tú”, “ Quỳnh uyển cửu ca”.

Ngôi giảng đường Văn Miếu xưa, cùng các kiến trúc chung quanh cũng như các sách, bia ký trong đó, được bà con họ Đàm cùng chính quyền và nhân dân địa phương hết lòng gìn giữ, nay vẫn nguyên vẹn.

 

Tài liệu sưu tầm

Bài viết khác