ĐẠO LÀM THẦY

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 280
  • Tổng lượt truy cập 358,654
Ngày đăng: 05/02/2014, 12:03 pm
Lượt xem: 1428

ĐẠO LÀM THẦY

 

 

 

Thời Lê - Trịnh, có một người thầy mà gần cả cuộc đời dạy học trong phủ Chúa, đào tạo những người sau này lèo lái đất nước. Người thầy đó là Đàm Công Hiệu, được người đời kính trọng gọi là Đàm Quốc sư.

 

Đàm Công Hiệu xứng bậc quốc sư

 

Một buổi sáng xuân, tin An Đô Vương Trịnh Cương (trị vì 1709-1729) về thăm thầy dạy học của mình là Đàm Công Hiệu làm dân làng Me (nay là xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) xôn xao bàn tán.

 

Nhà thầy tuềnh toàng thế này ư?

 

Thầy giáo họ Đàm làm quan đến Lễ bộ thượng thư, là thầy dạy học cho thế tử Trịnh Cương từ những ngày còn nhỏ, sau đó còn tiếp tục dạy cho con chúa Trịnh Cương là Trịnh Giang. Hơn hai mươi năm trời dạy học trong phủ chúa, khi đã 69 tuổi, sức khoẻ đã có phần suy giảm thầy Đàm mới xin nghỉ hưu.

 

Quan huyện Đông Ngàn đưa chúa Trịnh Cương đến trước một mái nhà lợp tranh vách đất, nói: “Bẩm chúa thượng, đây là lão tiên sinh họ Đàm ạ”. Trịnh Cương lấy làm lạ, đường đường là một quan lớn, tước lộc đầy đủ mà sao nhà cửa lại tuềnh toàng thế này. Chúa bảo thị vệ hỏi dân địa phương thì phải là nhà tôn sư Đàm tiên sinh. Vừa kính vừa thương thầy, Chúa tính sẽ mua lại đất quanh nhà để sửa sang lại chỗ ở của thầy cho đàng hoàng hơn. Xong xuôi đâu đó, chúa Trịnh Cương dặn lính hầu đứng bên ngoài để một mình Chúa vào nhà, thì cũng vừa lúc Đàm tiên sinh bước ra, thấy Chúa lật đật vái chào: “Bẩm chúa thượng tới chơi, chưa kịp nghinh tiếp, thật bất kinh”. Trịnh Cương đỡ vai thầy, nói: “Kính thưa thầy, ta tới đây với tư cách là trò thăm thầy, hà tất phải lễ nghi khách sáo”. Thầy Đàm hối gia nhân dọn sập cho Chúa ngự, lại hối pha trà. Nhấp chén trà nóng, chúa Trịnh Cương nói: “Ta không ngờ nhà thầy đơn sơ thế này. Ta có ý định mua đất bên cạnh làm nhà cho thầy được tươm tất”. Đàm tiên sinh cám ơn tấm lòng của Chúa nhưng một mực từ chối. Chúa Trịnh Cương không thể thuyết phục được đành phải nghe lời thầy.

 

Dạy các hoàng tử

 

Đàm Công Hiệu (1652-1721) tự là Mai Hiên, người làng Ông Mặc (còn gọi làng Me), tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông là con trưởng của Thái bảo Đàm Tung - một danh sư đào tạo nhiều hiền tài cho đất nước vào thế kỷ 17. Năm 32 tuổi, Đàm Công Hiệu đỗ sĩ vọng (kỳ thi tương đương thi hội, người đỗ được công nhận tiến sĩ, dành cho người không dự kỳ thi hội chính thức được do hoàn cảnh riêng). Tiếp nối truyền thống gia đình, Đàm Công Hiệu vừa làm quan vừa dạy học. Theo sách vở ghi lại, sau khi cha mất học trò của cha tôn ông làm thầy vì sở kiến của ông không thua mà thậm chí vượt cả người sinh ra mình.

 

Danh tiến của bậc tôn sư theo thời gian lan toả khắp vùng quê đến chốn kinh thành. Vua Lê – chúa Trịnh biết tiếng, cất nhắc ông vào các vị trí liên quan đến việc giáo dục của triều đình. Năm 47 tuổi, ông được vời vào giảng kinh sách trong Vương phủ cho các hoàng tử, trong đó có thế tử Trịnh Cương sau này lên ngôi Chúa lấy hiệu An Đô Vương. Năm 65 tuổi, ông tiếp tục dạy con của Trịnh Cương là Trịnh Giang, thật là việc xưa nay hiếm. Cũng vì sự nghiệp gần cả cuộc đời dạy học trong phủ chúa, ông được người đời trân trọng gọi là Đàm quốc sư.

 

Chúa lo tang lễ thầy

 

Năm 1720, Đàm tiên sinh được thăng Lễ bộ thượng thư. Dù vậy ông vẫn xin được về hưu. Bước sang tuổi gần bảy mươi, thầy giáo họ Đàm không còn sức khoẻ như xưa, thỉnh thoảng nay ốm mai đau. Nghe tin ông ốm, chúa Trịnh Cương thường về thăm. Nhận thấy Đàm tôn sư không thể đi đi về về giữa quê nhà và triều đình để dạy học mãi được, Trịnh Cương quyết định cho chuyển ngôi nhà giảng ở Vương phủ về dựng tại quê thầy. Làm vậy, thầy không thể từ chối, vừa tạo điều kiện cho thầy hàng ngày giảng kinh sách, khỏi phải đi xa.

 

Một năm sau, thầy giáo họ Đàm bệnh mất. Chúa Trịnh Cương sai người về làng Me mua đất được khoảng ba sào, nới rộng mái nhà của thầy Đàm để có chỗ lo ma, tế lễ. Chúa cũng quyết định miễn trào trong ba ngày để chịu tang ông. Trịnh Cương còn đích thân về tận làng Me để lo tang lễ thầy chu đáo. Thật là chuyện xưa nay hiếm trong lịch sử và vinh dự đối với một người thầy. Nhưng đào tạo được người trị vì đất nước có tài năng, đức độ như An Đô Vương không thể không ghi nhận công lao giáo dục của thầy giáo Đàm. Xem lại lịch sử, thường các vị vua khai quốc hoặc phải trải qua chiến tranh, gian khổ mới có ý thức giữ gìn xã tắc. Thế hệ con cháu của họ lớn lên trong cảnh no đủ thường sa vào hưởng lạc dẫn đến chỗ suy vi. Trịnh Cương trái lại là người chín chắn, tận tuỵ, biết giữ gìn cơ nghiệp của tiền nhân.

 

Từ đó ngôi nhà giảng trở thành đền thờ Đàm quốc sư. Hiện nay di tích nhà giảng này vẫn còn ở làng Me, quận Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1990, đền thờ danh sư Đàm Công Hiệu được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

 

Hồi làm Tri phủ Hạ Hồng (thuộc Kim Giang, Hải Dương cũ), có vụ án mạng mà thủ phạm lại là cậu của chúa Trịnh. Quan triều đều sợ liên luỵ nên không ai dám xử; án đã kéo dài bảy năm chưa ra manh mối. Lúc Đàm Công Hiệu đến nhận chức, đã tổ chức điều tra và tìm ra đầy đủ chứng cứ của thủ phạm. Không chút băn khoăn dè dặt, Đàm Công Hiệu đòi tên tội phạm đến, nghiệm khắc lục vẫn khiến y phải tự thú tội. Khi đủ chứng cứ, cụ giao lên tỉnh. Việc đến Vương phủ, chúa Trịnh xử ngay thủ phạm và cụ được ban chiếu khen. Đàm Công Hiệu xứng đáng là một tri thức thời ấy, một quan triều cần – liêm – trí – dũng; một thầy giáo mẫu mực, một nhân cách, phẩm chất cao đẹp xứng đáng với ngôi vị Quốc sư.

 

Quang Ân

Bài viết khác