Danh nhân xứ Bắc

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 294
  • Tổng lượt truy cập 450,809
Ngày đăng: 15/07/2013, 05:07 pm
Lượt xem: 1741

DANH NHÂN XỨ BẮC

QUAN TIẾT NGHĨA ĐÀM THẬN HUY

Nhà giáo, nhà sư phạm tài năng, mẫu mực

Sử sách và người đời biên ghi và nhớ tới Đàm Thận Huy – một tấm gương lẫm liệt về lòng trung quân và ý chí đấu tranh đến cùng chống lại sự tiếm quyền của nhà Mạc, bảo vệ triều đình của nhà Lê, được truy phong là “Tiết nghĩa Đại vương”. Nhưng không chỉ có vậy, Đàm Thận Huy còn là một nhà giáo, nhà sư phạm tài năng và mẫu mực, góp phần đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.

Đàm Thận Huy vốn là người làng Hương Mạc (tục gọi là làng Me), xuất thân từ dòng họ Đàm và một làng quê nổi tiếng hiếu học và khoa bảng. Ông tên tự là Măc Hiên, thụy là Qủa Đạt, tứ thụy Trung Hiến, sinh năm Quý Mùi dời vua Lê Thánh Tông – niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463). Ông vốn thông minh, lại chăm chỉ, có chí tiến thủ theo con đường khoa hoạn. Năm 1490, khoa thi Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21, Đàm Thận Huy đỗ tiến sĩ và vinh quy về làng. Năm năm sau (1495), ông được vua Lê Thánh Tông vời vào Hội Tao Đàn nhị thập bát tú do đích thân nhà vua làm chủ soái.Là thành viên của Hội, Đàm Thận Huy đã tỏ ra là một nhà thơ có tài, và với thi phẩm “Mặc Trai thi tập” ông đã được nhà vua ca ngợi và đánh giá: “Thiên hạ đệ nhất danh thi nhân” (Nhà thơ đứng đầu trong sách sử). Không chỉ là một nhà thơ, Đàm Thận Huy còn là một bậc quan đại thần, trải nhiều chức vụ quan trọng.

- Năm 1510: Làm Hình bộ thượng thư, sau đó đi sứ Trung Quốc rồi được thăng Lễ bộ thượng thư, được phong tước Lâm xuyên hầu.

- Năm 1518: Được thăng chức Thiếu bảo và vào Điện Kinh Diên giảng sách dạy Vua, rồi sau đó về ẩn sĩ tại quê nhà. Từ đây ông mở trường dạy học.

- Là bậc đại thần, suốt đời tận trung với Vua và nhà Lê. Ông cực lực phản đối và lên án sự tiếm quyền thoán nghịch của nhà Mạc. Năm 1522, Mạc Đăng Dung tiếm quyền Vua Lê. Khi nhận được huyết chiếu của Vua Lê, ông đã hiệp lực cùng các ông quan triều Lê là Nghiêm Bá Ký, Hà Phi Bằng, Nguyễn Tự Cường, Nguyễn Hữu Nghiêm, chiêu bộ nghĩa binh, chống lại nhà Mạc. Nhưng do thế cùng lực kiệt, ông đã giải tán nghĩa binh, và uống thuốc tự vẫn, quyết không để lọt vào tay giặc. với tấm gương trung nghĩa đó, nhà Lê sau này đã truy phong cho ông là Tiết Nghĩa Đại Vương thượng đẳng thần, và cho lập “Tiết nghĩa từ” để thờ ông tại quê nhà.

Đàm Thận Huy không chỉ lưu danh trong sử sách và sự ngưỡng mộ của người đời sau về tấm gương trung nghĩa, mà ông còn ;là một nhà giáo, nhà sư phạm có tài và mẫu mực. Ngay trong lúc cư quan nhậm chức, ông đã là thầy dạy học của vua, và nhất là những năm về hưu trí, ông đã mở trường dạy học tại quê nhà. Với tài năng đức độ của thầy Đàm Thận Huy, hàng trăm sĩ tử các nơi đã tới xin thầy cho tòng học. Và quả là thầy Đàm Thận Huy đã rèn cặp, dạy dỗ khiến cho nhiều người đỗ đại khoa, trở thành những danh nhân văn hóa, làm vẻ vang cho dân tộc và quê hương Kinh Bắc, trong đó có những danh nhân tiêu biểu là:

- Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, người Hương Mạc (tục gọi Trạng Me) cùng quê với thầy Đàm Thận Huy.

- Bảng nhỡn Hứa Tam Tỉnh, người Vọng Nguyệt (nay thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong).

- Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm.

- Bảng nhỡn Nguyễn Chiệu Huấn.

- Tiến sĩ Nguyễn Tự Cường…

Ngày nay, người vùng quê Đông Ngàn xưa cũng như nhân dân quê hương làng Me còn truyền kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện nói về đức độ và tài năng đào tạo nhân tài của thầy giáo Đàm Thận Huy: trong đó có chuyện tìm hiểu trí thông minh và tâm lý tính cách của học trò. Truyện kể rằng, trong một buổi học, đến giờ nghỉ, thì trời mưa như trút, cả thầy và trò đều không về được. Thầy Đàm Thận Huy liền ra vế đối để có dịp tìm hiểu sâu hơn trí thông minh và tâm lý, tính cách của học trò.

Vế đối của thầy Đàm Thận Huy ra là:

- “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”

(Mưa không có khóa mà giữ được khách lại).

Người học trò cùng quê với thầy là nguyễn Giản Thanh, ứng đối trước:

- “Sắc bất ba dào dị nịch nhân”

(Sắc đẹp không có sóng gió mà dễ làm đắm đưới người).

Trò Nguyễn Chiêu Huấn, người xã An Khang, huyện Yên Phong, ứng đối tiếp:

- “Nguyệt tự loan cung mạc xạ nhân”

(Mặt trăng tựa như cánh cung chẳng bắn người).

… Nghe các vế đối, thầy Huy đều khen hay và trí thông minh, ý tưởng hàm súc lãng mạn của hai học trò, như với Nguyễn Giản Thanh thì bộc lộ tính tình lẳng lơ, đa cảm; còn Nguyễn Chiêu Huấn thì thể hiện tính đôn thuần, trung hậu, nên cụ rất quý và sau đã gả ái nữ của mình cho chàng Chiêu Huấn. Có điều thầy Huy đoán chắc qua cuộc ứng đối này, các học trò tài năng trên đều sẽ thành đạt. Quả vậy, sau này Nguyễn Giản Thanh thi đỗ trạng nguyên và Nguyễn Chiêu Huấn thi đỗ bảng nhỡn.

Đàm Thận Huy thực sự là một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hóa của quê hương, đất nước. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được sử sách ghi chép và nhân dân ngưỡng vọng nhớ ơn. Đền thờ quan Tiết nghĩa Đại vương thượng đẳng thần tại quê hương ông đã được nhà nước công nhận và cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa nhằm giữ gìn và bảo vệ lâu dài một di tích lưu niệm về một danh nhân của quê hương Kinh Bắc – Hà Bắc.

 

QUANG LỘC

Bài viết khác